Gìn giữ tranh sơn mài

ANTĐ - Bộ VH-TT&DL Việt Nam sẽ cùng các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc lập hồ sơ đa quốc gia trình UNESCO công nhận nghề sơn mài truyền thống là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là tin vui với các nghệ sỹ sơn mài Việt nhưng kèm theo đó là sự lo lắng trước thực trạng mai một của dòng tranh đặc sản Việt Nam. 

    Bí ẩn nằm ở đáy vóc

    Trước đây, sơn mài Việt đã xuất hiện ở đình, chùa với sơn son thếp vàng nhưng mới dừng lại ở chạm trổ mỹ nghệ. Sơn mài chỉ thực sự trở thành dòng tranh đặc sản của Việt Nam khi người Pháp thành lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Từ chất liệu sơn ta, các họa sỹ đã mày mò thể nghiệm để đưa thêm các vật liệu như vỏ trứng, cật tre, ốc… vào tác phẩm.

    Qua mỗi giai đoạn, thời kỳ, sơn mài Việt Nam đều có những đóng góp đặc sắc đối với sự phát triển của nền mỹ thuật nước nhà. Bảng màu tưởng như trầm lắng của sơn mài chỉ với màu nâu, màu đen đã được các họa sỹ mở rộng, không gian của sơn mài trên nền vóc đen được cơi nới. Sơn mài luôn thay đổi, biến hình trong ngôn ngữ thể hiện đa dạng. Chính vì thế, sau một thế kỷ, Việt Nam luôn tự hào là quốc gia đã phát minh ra chất liệu sơn mài sử dụng trong ngành mỹ thuật. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, sơn mài truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một trước sự xâm lấn của chất liệu sơn tổng hợp.

    Do nôn nóng, không ít các họa sỹ đã sử dụng sơn tổng hợp trong sáng tác thay vì sơn ta như truyền thống bởi loại sơn này khô nhanh và ít phải mài. Thực trạng này đã làm nổ ra cuộc tranh luận trong giới về xu hướng mỹ nghệ hóa sơn mài truyền thống.

    Theo họa sỹ Thành Chương, đã gọi là sơn mài thì bắt buộc họa sỹ phải mài lớp bề mặt để tạo hiệu quả mong muốn. Trong khi đó, nếu sử dụng sơn tổng hợp, bột sơn Nhật để vẽ thì họa sỹ chỉ tạo được hiệu quả bóng bẩy của lớp bề mặt. Còn với họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, vẻ đẹp của nghệ thuật sơn mài Việt Nam nằm ở độ sâu của màu, được tạo ra từ tầng tầng lớp sơn và ẩn ở đáy vóc. Dù biết như vậy nhưng vẫn có một bộ phận không nhỏ các họa sỹ đi theo hướng ngược lại để rút ngắn thời gian sáng tác.


    Đang dần mai một
    Đáng buồn, cứ 10 họa sỹ làm sơn mài thì có đến 8 người không sử dụng đúng nguyên liệu và quy trình truyền thống. Theo họa sỹ Lê Thiết Cương, để biến sơn sống thành sơn then (màu đen), người xưa làm hoàn toàn bằng tay. Họ dùng một thanh gang non gọi là mỏ vầy trộn đều trong nồi bằng gỗ. Sau một khoảng thời gian, sơn sống thành sơn chín. Và trong quá trình dùng mỏ vầy, chất sắt tự nhiên trong thanh gang non tiết ra tạo nên màu sơn đen đẹp mắt. Còn bây giờ, các họa sỹ  mua sơn sống, cho ít bột sắt ngoài cửa hàng hóa chất rồi dùng mô-tơ trộn đều.



    Niềm tự hào của Việt Nam là một cường quốc về sơn mài đang bị suy chuyển. Họa sỹ Nguyễn Trường Linh, trưởng nhóm Sơn ta cho biết, điểm khác biệt giữa  tranh sơn mài Việt Nam và tranh sơn mài Trung Quốc, Nhật Bản nằm ở chất liệu và cách vẽ. Sơn ta tạo độ óng, độ xốp cho bức tranh và khi kết hợp cùng quỳ vàng, quỳ bạc, sẽ tạo độ sang trọng, tinh tế. Nếu sơn mài Việt buộc các họa sỹ phải vừa mài vừa nghĩ thì sơn mài các nước khác đều lộ ngay trên lớp bề mặt. Khi thực hiện theo lối vẽ mỹ nghệ hóa sơn mài, các họa sỹ đã trực tiếp làm ảnh hưởng tới uy tín của sơn mài Việt.
     
    Bên cạnh việc mai một cách sáng tác truyền thống, sơn mài Việt còn đối mặt với lực lượng sáng tác suy giảm. Các họa sỹ theo đuổi dòng tranh này một cách nghiêm túc và cẩn trọng đang ngày càng ít đi do chất liệu đắt đỏ, tốn sức, thời gian làm tác phẩm kéo dài ròng rã và quan trọng hơn, đầu ra cho tác phẩm gặp nhiều khó khăn. Đã có không ít họa sỹ sau thời gian thử nghiệm với sơn mài đã quay sang các chất liệu đơn giản hơn như sơn dầu, acrylic, bột màu… Đặc biệt, các họa sỹ trẻ nếu có đi theo dòng tranh này thì cũng rất hiếm người làm đúng và làm đủ các quy trình. 

    Trước thực trạng này, họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam “hiến kế”: “Nhà nước cần khích lệ các nghệ sỹ sáng tác sơn mài truyền thống bằng việc đặt hàng tác phẩm có chất lượng cao. Từ cách làm này, Nhà nước sẽ định hướng các tác giả kết hợp sơn mài truyền thống trong các sáng tác hiện đại”. Còn từ phía các họa sỹ, mỗi tác giả cần có ý thức giữ gìn vẻ đẹp của sơn mài truyền thống Việt Nam và xây dựng cho mình phong cách sáng tác riêng biệt, mang tâm hồn Việt. 
    Nguồn :Internet

    Nhận xét

    Bài đăng phổ biến từ blog này

    Những bức tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí

    Chính thức khởi động hành trình đưa sơn mài thành di sản thế giới

    Những bức tranh sơn mài nổi tiếng