Bức tranh sơn mài Tranh quê rao giá 7 triệu USD

  
 Một đoạn của bức tranh rao giá 7 triệu USD  
  
Bức "Tranh quê" chất liệu sơn mài với dòng sông dát vàng dài 24m treo kín 3 mặt tường của gian phòng hơn 200m² mặt tiền phố Hàng Trống, họa sĩ Hoàng Hà Tùng quả quyết: “Tôi dám chắc, đây là bức tranh sơn mài dài nhất Việt Nam”.
   
    Nảy ý tưởng từ năm 1993, vẽ phác thảo năm 2000 và đến năm 2004 thì hoàn thành. Tác phẩm "Tranh quê" gồm 12 bức, được xem là 12 chương trong bản giao hưởng của một đời người.
   
    Khởi đầu là hình ảnh những đứa trẻ ngồi trên lưng trâu với những lá sen, ngó sen, cánh diều bay lơ lửng để rồi tiếp vào chương 2 - những đứa trẻ tiến vào Cửa sinh - nơi 2 cột trụ vẽ gương mặt những thế hệ đã khuất tượng trưng cho chiều dài của văn hóa Việt với những trầm tích và thăng hoa tiếp nối. Các chương sau, thông qua hành trình tới Cõi về của một kiếp người, tác giả thể hiện “sự hiểu” và quan điểm của mình về đời sống xã hội Việt như: mưu sinh, ra trận, đạo và đời, chết...
   
    “Tôi đặc biệt tâm đắc với những gì thể hiện ở chương 12” - họa sĩ Hoàng Hà Tùng tâm sự: “Trong chương này tôi vẽ cách điệu 5 người đàn bà vận khăn đen và chống gậy bằng những tàu sen khô. Đó là những người đã chết và khi chết họ công bằng như nhau, không ai hơn ai, cho dù lúc sống người này là quan và người kia có thể là một người hành khất. Lâu nay, người ta vẫn nói “Cái chết là sự công bằng nhất”. Và tôi đã sử dụng ngôn ngữ độc đáo nhất của hội họa để thể hiện sự công bằng này”.
   
    Cũng theo họa sĩ Hoàng Hà Tùng, có lẽ chưa họa sĩ nào vẽ một dòng sông dát vàng dài tới 24m như anh. Dòng sông trong bức tranh là ký ức đầy cảm xúc của anh về dòng sông Lựng Trai (có nghĩa là nơi hội tụ của những con trai) chảy qua thôn Đồng Cống, Chí Linh, Hải Dương quê anh.
   
    Từ năm 2000, phác thảo "Tranh quê" (vẽ bột màu trên giấy) đã được Khoa Mỹ thuật, Trường Đại học Toronto (Canada) mua làm tài liệu giảng dạy cho sinh viên. Số tiền bán phác thảo được góp thêm vào để hoàn thiện bản gốc "Tranh quê" bằng chất liệu sơn mài. Sau khi bức tranh hoàn thiện, tác giả đã tổ chức một buổi rước tranh khá ồn ã từ thôn Đồng Cống lên đồi thông ở Côn Sơn (khoảng 6km) với sự tham gia của hàng trăm người dân quê trong trang phục xưa và giới văn nghệ từ Hà Nội xuống.
   
    Chỉ định trưng bày tranh duy nhất 1 lần, trong 1 ngày... nhưng rồi theo yêu cầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và thành phố Hà Nội muốn có một tác phẩm hoành tráng để khai trương "Không gian văn hóa Việt", Hoàng Hà Tùng đã về quê ở Chí Linh “rinh” tác phẩm "Tranh quê" về phố.
   
    Được biết, bức tranh này Hoàng Hà Tùng rao giá 7 triệu USD và người định mua là giám đốc một ngân hàng ở Mỹ đã “ngất” không nói được lời nào. Lý giải về cái giá “chơi trội” ấy, Hoàng Hà Tùng bảo: “Nếu ông ta đưa 7 triệu USD thật tôi cũng không bán. Tôi bỏ cả gia tài cùng với 4 năm, biết bao mồ hôi, công sức để làm nên bức tranh không phải vì mưu cầu lợi nhuận. Tôi muốn giữ bức tranh này lại cho quê hương để sau này các thế hệ con cháu của tôi khi xem bức tranh sẽ phải tự hào, rằng: “cha ông mình ngày trước cũng chịu chơi thật”.
   
    Và một Ô Quan Chưởng “chẳng giống ai”
   
    Bức tranh “hoành tráng” thứ 2 mà Hoàng Hà Tùng “trưng” ở "Không gian văn hóa Việt" có tên "Ô Quan Chưởng" - là bức bình phong 2 mặt với diện tích 2mx4m, chất liệu sơn mài. “Ô Quan Chưởng là một trong những hình ảnh cổ mà thân thương với các thế hệ người Hà Nội. Vì thế, đã có rất nhiều họa sĩ, kể cả các bậc tài danh ở Việt Nam đều đã sáng tác về cửa ô còn lại này ở đất Thăng Long với bút pháp và tình yêu của riêng mình với Hà Nội. Hà Nội không phải là quê của tôi, nhưng tình yêu của tôi dành cho Hà Nội cũng không kém những người con Hà Nội gốc.
   
    Có điều, bức tranh tôi vẽ Ô Quan Chưởng “chẳng giống ai”. Tôi không đi theo cảm xúc: Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo để sáng tác. Tôi vẽ bằng bút pháp cổ điển, kéo dài các nét khiến Ô Quan Chưởng giống như: Vạn Lý Trường Thành và hoàn toàn không có người. Phía trên là những cành cây được vẽ cách điệu thành hình những con chim, con phượng hoàng bay lượn và hoàn toàn dát vàng như một sự hoài niệm.
   
    Điều đặc biệt ở tác phẩm này chính là mặt sau của bức bình phong. Nếu như phía trước là hình ảnh Ô Quan Chưởng được vẽ tĩnh thì mặt sau chính là “góc khuất” của đời sống Hà thành được tái hiện với sự ồn ã, hoan lạc... Phải có 2 mặt như thế - sáng và tối; tốt và xấu mới là đời sống và làm nên những giá trị mà nhờ nó Ô Quan Chưởng tồn tại đến ngày hôm nay”.
   
    Khá tự hào về 2 bức tranh sơn mài hoành tráng về kích thước nhưng Hoàng Hà Tùng cũng khẳng định trong nghệ thuật hoành tráng không nói lên điều gì. Vấn đề ở chỗ, người họa sĩ có đủ tiềm lực kinh tế, tài năng và bản lĩnh để khống chế độ hoành tráng của kích thước tạo nên một tác phẩm có giá trị thực sự về nghệ thuật hay không.
   
    Chưa mở cửa đón khách nhưng đã có khá nhiều khách nước ngoài “tạt” vào phòng tranh trên hành trình thăm Hà Nội phố. Không bình luận về tác phẩm, nhưng dường như người khách nào cũng xin tác giả cho phép chụp ảnh cùng tác phẩm hoặc ghi hình tác phẩm...
VietnamPlus
Chúng tôi chuyên cung cấp các loại Sơn mài cao cấptranh sơn màisơn mài

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những bức tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí

Những bức tranh sơn mài nổi tiếng

Tranh sơn mài hoa sen trắng