Tác phẩm Ướm thử “hài cô Tấm”

1. Có lần tôi nghĩ, giấy dó với nghề họa, cứ như là chiếc hài cô Tấm, làm họa sĩ Việt Nam hầu như bất kỳ ai cũng phải có lần muốn “ướm chân xỏ thử”. Không phải ai đi cũng vừa, tất nhiên. Nhưng cũng không phải duy nhất chỉ một bàn chân đặt lọt. Khác với những chất liệu như sơn dầu, sơn mài có chuyên khoa đào tạo, không trường nghệ thuật nào có “khoa tranh giấy dó” cả, chỉ là ai thích thì cứ vẽ, vậy thôi. Giấy dó không phải là điểm bắt đầu, mà nó là điểm nghỉ, ít ai lấy nó làm đích để rồi “ghi bàn” thành danh với chất liệu này như một số tên tuổi Lý Trực Sơn, Nguyễn Xuân Tiệp, Phan Cẩm Thượng… Giấy dó là phút thư giãn của những bàn tay điêu luyện hình màu, là những vần thơ nhẹ nhõm ấm màu ngà, gieo vần nhanh mà không phải kỳ cạch tẩy xóa.
Nhưng giấy dó cũng không phải chỉ là giấy… như giấy thông thường. Nó cũng có những khắt khe riêng. Để thử chiếc hài tuy trông giản dị mà khó tính này, thường thấy có hai thái độ buồn cười. Một là “gọt chân cho vừa giày”. Như thế thì nó đau lắm, mà trái tự nhiên, không làm được. Hai là “nong giày ra cố nhét chân vào”. Như thế thì toác toàng toạc ra, hỏng toi mất giày…
         
         
           
         
         
Một tác phẩm giấy dó của Lê Xuân Hưng Linh tại triển lãm
       
2. Họa sĩ Nguyễn Trần Cường sinh năm 1979, tốt nghiệp chuyên ngành sơn mài. Sáng tác đều đặn và nắm vững kỹ thuật sơn mài cùng sơn dầu qua nhiều triển lãm. Họa sĩ dịch chuyển cảm xúc của mình sang giấy dó khá nhuần nhuyễn, với màu tự nhiên từ khoáng chất đã từng được nhiều người vẽ dó trước đây ưa dùng. Ở những tranh sơn dầu trước đây của họa sĩ, độ no chín của nhiều lớp màu chưa được đẩy đến hoàn thiện. Thì ở giấy dó và màu tự nhiên này, điều đó lại không trở thành vấn đề. Loạt tranh phong cảnh tưởng tượng và những giấc mơ, mỗi tranh một hoặc nhiều lắm đến hai hình lẻ, tận dụng triệt để khoảng trống không vẽ cũng như độ thấm ở những mảng màu lớn cho ta vẻ đẹp của những xúc cảm hơi cô đơn, nhưng nhẹ nhàng phảng phất chứ không đến độ sầu muộn. Những mô-típ hình của Cường trong giấy dó cũng đang được họa sĩ định nghĩa từ từ để làm nên bản sắc riêng của mình. Bởi với lối vẽ mà họa sĩ đang chọn, thì bút pháp ước lệ với những “chữ cái hình” riêng của mình tạo ra là điều rất quan trọng.
3. Họa sĩ Lê Xuân Hưng Linh sinh năm 1981, tốt nghiệp chuyên ngành đồ họa và đã học xong cao học hội họa. Anh thường sáng tác với chất liệu acrylic. Và với cuộc chơi giấy dó lần này bằng màu nước, dường như Linh dùng hết những sở trường của mình “thí nghiệm” với dó. Màu và hình của anh kín đặc, nhao ra, chộn rộn, không chừa một khoảng trống nào. Phong cảnh, chân dung, tĩnh vật… dưới con mắt và cảm xúc của họa sĩ đều náo nhiệt và đông đúc nghẹt thở không cần tiết chế. Dường như không vẽ cho kín bức tranh, chất đầy tâm sự của mình lên tranh, thì họa sĩ... không chịu được!
Hai lối vẽ, tương hỗ, bổ sung cho nhau, thành cặp ăn ý. Người xem đi qua từng bức tranh lúc của Cường, lúc của Linh như đi qua những cung bậc tạo thành các giai điệu dễ chịu. Lúc thì ồn ã nồng nhiệt, lúc thì lặng lẽ thư thái. Đúng là ướm hài, cũng nên phải ướm cả đôi!
Dưới đây là những tác phầm được trưng bày tại triển lãm của hai họa sĩ:
         
         
         
         
         
         
           
Tranh của họa sĩ Nguyễn Trần Cường
           
         
         
         
         
         
Tranh của họa sĩ Lê Xuân Hưng Linh
       
Vũ Lâm
Chúng tôi chuyên cung cấp Sơn mài cao cấptranh sơn mài

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những bức tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí

Những bức tranh sơn mài nổi tiếng

Tranh sơn mài hoa sen trắng