Tranh sơn mài Việt Nam thực trạng và phát triển

 1. Tổng quan về tranh sơn mài Việt Nam
 Để tìm hiểu về tranh sơn mài Việt Nam thực trạng và phát triển, chúng tôi phải xuất phát từ nghề sơn truyền thống ở Việt Nam. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu nghề sơn truyền thống có từ lâu đời ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam, Lào, Căm pu chia, Thái Lan.v.v. Ở Việt Nam có nhiều làng sơn nổi tiếng như ở phường Nam Ngư, Làng Bình Vọng, Hạ Thái, Sơn Đồng, Bối Khê, Chuôn Ngọ (Hà Nội), làng Đình Bảng (Bắc Ninh), Phường Cát Đằng (Ý Yên, Yên Tiến, Nam Định), Dương Nổ, Triều Sơn, Địa Linh, Tiên Nộn, Phú Vang (Huế), Tương Bình Hiệp - Thủ Dầu Một (Bình Dương).v.v.
 - Tranh sơn cổ: Nói đến tranh sơn mài Việt Nam chúng ta không thể không đề cập đến tranh sơn cổ. Tranh sơn cổ có thể coi là tiền thân của tranh sơn mài Việt Nam ngày nay. Hiện nay tranh tranh sơn cổ còn lại ở một số di tích, tuy không nhiều nhưng là nguồn tư liệu quý để là nền tảng nghiên cứu tranh sơn mài hiện đại Việt Nam.
 - Tranh sơn mài mỹ nghệ là một sản phẩm tiêu biểu của các làng sơn truyền thống. Đề tài khai thác chủ yếu làmiêu tả các sinh hoạt thành thị, nông thôn Việt Nam. Tranh sơn mài mỹ nghệ có tác dụng lớn trong đời sống dùng để trang trí trong nhà, hội trường, công trình văn hóa... trong nước cũng như xuất khẩu.
 phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, tích truyện dân gian Việt Nam, Trung Quốc. Hiện nay đề tài tập trung - Tranh sơn mài tạo hình. Từ nền tảng giá trị truyền thống của nghề sơn được tích lũy ở các nghệ nhân nghề sơn, các họa sỹ Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã sáng tạo, dùng làm chất liệu hội họa Việt Nam. Tranh sơn mài tạo hình Việt Nam đã hình thành từ đó và ngày càng phát triển. Tranh nghệ thuật sơn mài Việt Nam mang phẩm chất quý giá; sự kết hợp nhuần nhụy giữa chất liệu đậm chất Á Đông với thủ pháp tạo hình hiện đại (học tập cách tạo hình Châu Âu) Nam đã sáng tạo để làm nên đặc trưng và tinh hoa của Tranh sơn mài tạo hình Việt Nam, mang bản sắc dân tộc Việt Nam. Các tác phẩm đã khẳng định vị trí của mình trong nền mỹ thuật Việt Nam, trong việc giao lưu hội nhập với mỹ thuật, văn hóa khu vực và thế giới. Nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng cao trong nước và quốc tế. Sự độc đáo của tranh sơn mài Việt Nam còn ở chất liệu và kỹ thuật thể hiện. Nghề sơn mài và tranh sơn mài Việt Nam đã có lịch sử, đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm nêu ra các vấn đề góp nhiều ý kiến để bảo tồn, tôn vinh làng nghề, nghề và tranh nghệ thuật.
 2. Tổng quan về tình hình nghiên cứu tranh sơn mài Việt Nam, tài liệu và phân tích tài liệu
 2.1. Đánh giá sơ bộ mặt mạnh mặt yếu của công trình nghiên cứu về tranh sơn mài
 - Sách "Nghề cổ nước Việt", bài báo "Thực trạng và giải pháp của nghề sơn mài truyền thống ở khu vực Bắc Bộ", tác giả Nguyễn Lan Hương có đề cập đến vấn đề nguyên liệu đang có nguy cơ cạn kiệt nhưng lại có tình trạng xuất khẩu sơn chất lượng tốt nhập về sơn hoá học kém chất lượng gây thua thiệt về kinh tế lại làm mất đi bản sắc riêng và uy tín của sơn mài Việt Nam!
 - Về làng nghề sơn mài truyền thống có tác giả: Nguyễn Văn Chuốt trong bài "Hà Tây với truyền thống tranh sơn mài", Vũ Từ Trang nói đến làng nghề Đình Bảng, TS.Trương Thị Minh Hằng có bài "Bình Vọng - đất tổ nghề sơn”, TS. Nguyễn Lan Hương nghiên cứu nghề sơn quang Cát Đằng, TS. Nguyễn Xuân Nghị nghiên cứu về Nghề sơn truyền thống tỉnh Hà Tây, TS Phan Thanh Bình với "Nghề sơn mài và tranh sơn mài ở Huế", Phạm Côn Sơn với "Làng nghề truyền thống Việt Nam”... Các bài viết cho ta cái nhìn khái quát về làng nghề sơn mài truyền thống Việt Nam và bổ sung tình hình thực tế để thấy được sự phát triển và biến đổi của làng nghề. Tuy vậy các bài viết mới dừng lại ở mức liệt kê, tả kể.
 - Nói về tranh sơn cổ có bài viết của hoạ sỹ Lê Quốc Việt và Nguyễn Minh Phước, các tác giả đã thống kê những tác phẩm sơn mài cổ còn được lưu trữ ở một số di tích và phân loại tranh, về kỹ thuật thể hiện… Tuy vậy bài viết mới dừng ở sự khái quát chưa đi sâu.
 - Các bài nghiên cứu như "Nghề sơn Việt Nam - cách nhìn tổng quan" của Nguyễn Đức Bình, "Nghĩ thế nào là sơn mài" của hoạ sỹ Ngọc Thọ, "Sơn mài - sự phát triển đột phá từ chất liệu sơn ta" của hoạ sỹ Đặng Trần Sơn, "Sơn ta với nghệ thuật tạo hình Việt Nam" của PGS Nguyễn Bá Vân, "Những tìm tòi thể nghiệm đưa sơn ta thành thành sơn mài hội hoạ..." của hoạ sỹ Nguyễn Văn Chiến, "Dò tìm - Đối sánh - Hấp thụ - Thăng hoa" của Nhà NCMT Thái Hanh, "Vài nét về lịch sử phát triển của tranh sơn mài Việt Nam" của Nhà NCMT Đặng Thanh Vân v.v.. đã cho chúng ta thấy được tranh sự độc đáo, tinh hoa của tranh sơn mài Việt Nam, phân biệt tranh sơn mài mỹ nghệ và tranh sơn mài tạo hình trong đó tranh sơn mài tạo hình là một sáng tạo của nghệ sỹ Việt Nam. Trong một số bài viết có đề cập đến tính chất hoá học, vật lý, của sơn mài.
 - Tư liệu đề cập đến đào tạo có: "Dạy nghệ thuật và kỹ thuật truyền thống ở Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp" của họa sĩ Nguyễn Yêm, "Trường dạy nghề công nghiệp - thủ công mỹ nghệ với vấn đề đào tạo truyền nghề sơn mài truyền thống" của họa sĩ Nguyễn Đình Lâm, "Dạy và học với đào tạo mỹ thuật" của Nhà NCMT Nguyễn Văn Chiến v.v. đã đề cập nhưng chưa cho cái nhìn tổng quát về vấn đề này ở các trường đại học mỹ thuật nơi đạo tạo mỹ thuật lớn của Việt Nam.
 - Dự báo về xu hướng thẩm mỹ, phát triển của tranh sơn mài Việt Nam cũng được đề cập tới trong một số bài viết như: "Sơn mài Việt Nam đứng trước thiên niên kỷ thứ 3" của họa sĩ Trần Huy Quang, "Hãy nâng tầm sơn mài Việt Nam của ta lên tầm: Quốc họa Việt Nam" của nhà NCMT Thái Hanh v.v.
 - Ngoài nước: bài viết "Sơn mài hay lối mòn" của Laurent Colin thể hiện nỗi lo lắng về sự lặp lại trong tranh sơn mài của một số tác giả tại một số Gallery vì chạy theo lợi nhuận mà đánh mất giá trị nghệ thuật thiếu sự sáng tạo; tuy vậy cách đánh giá này còn phiến diện. Một số thông tin qua bài viết "Đôi nét về triển lãm tranh sơn quốc tế tại Phúc Kiến, Trung Quốc" của họa sỹ Trần Khánh Chương, "Nghệ nhân Đinh Văn Thành, người đầu tiên làm sơn mài" của cố họa sỹ Lê Quốc Lộc, "Nghệ thuật sơn Ryukyu" của tác giả Vũ Tuyết Mai, các bài phát biểu tại Hội thảo "Sơn ta và nghề sơn truyền thống Việt Nam" năm 2002 (do Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội - Viện Mỹ thuật tổ chức) của họa sỹ Nguyễn Văn Chiến, Đặng Trần Sơn, Phan Thị Nghĩa... có đề cập đến nhưng chỉ nói sơ qua. Cho nên cần bổ sung các thông tin về sự đánh giá của nước ngoài đối với tranh sơn mài Việt Nam qua các triển lãm đối ngoại. So sánh tranh sơn mài Việt Nam với tranh sử dụng chất liệu nhựa cây sơn của Trung Quốc, Nhật Bản, chúng ta tham khảo bài "Sơn mài nghề thủ công truyền thống ở Nhật Bản", "Vài nét khái lược về sơn mài Trung Hoa" của tác giả Nguyễn Lan Hương, "Nghề sơn Việt Nam - cái nhìn tổng quát" của Nguyễn Đức Bình, "Dò tìm - đối sánh - hấp thụ - thăng hoa" của Nhà NCMT Thái Hanh v.v. để có cái nhìn tổng quan về lịch sử nghệ thuật sơn, tranh sơn, cần bổ sung về sự phát triển của tranh sơn mài tạo hình để thấy sự khác biệt của văn hóa Việt Nam; sự ảnh hưởng của Việt Nam đối với các nước.
 Nhìn chung các bài nghiên cứu về tranh sơn mài Việt Nam khá phong phú, nội dung đề cập nhiều khía cạnh về văn hóa sơn Việt Nam trong đó có tranh sơn mài. Tuy vậy các tư liệu còn tản mát, rất cần một công trình nghiên cứu có tính hệ thống về tranh sơn mài Việt Nam thông qua thực trạng và phát triển.
 
Tính cấp thiết
 Nghị Quyết Đại hội Đảng lần thứ V khoá VIII chỉ rõ, mục tiêu văn hoá của Đảng là “Bảo tồn và phát huy nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Hiện nay, đất nước ta đang trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giao lưu hội nhập quốc tế nên vấn đề gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá và nhất là tôn vinh các giá trị nghệ thuật dân tộc rất quan trọng và cần thiết.
 Nói đến mỹ thuật, hội họa Việt Nam, chúng ta tự hào về tranh sơn mài. Phải khẳng định tranh sơn mài Việt Nam do người Việt Nam sáng tạo trên cơ sở nghệ thuật truyền thống dân tộc kết hợp lý thuyết tạo hình Phương Đông - Phương Tây đã trở nên một giá trị nghệ thuật đặc trưng của Việt Nam, tạo cho mỹ thuật Việt Nam một sắc thái mới, bản sắc và tiên tiến hiện đại. Nghệ thuật sơn mài Việt Nam đã có sự phát triển rất đáng tự hào trên cả lĩnh vực tạo hình và trang trí thủ công mỹ nghệ. Tranh sơn mài Việt Nam với ngôn ngữ nghệ thuật biểu hiện độc đáo, quý giá là niềm tự hào của giới mỹ thuật, tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam, góp sức đắt giá vào sự phong phú, mới lạ của nghệ thuật tạo hình thế giới.
 Nghiên cứu thực trạng tranh sơn mài Việt Nam một mặt giúp chúng ta nhìn thấy những giá trị, phẩm chất quý giá của loại tranh độc đáo do tài năng của các nghệ sĩ Việt Nam làm nên. Thể hiện trí thông minh, khả năng tìm tòi sáng tạo của nghệ nhân, họa sĩ Việt Nam, đã làm nên kỳ tích, tạo nên tác phẩm nghệ thuật vô giá mang đậm bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó chúng ta tìm thấy những tồn tại, những khiếm khuyết trong quá trình làm nên những tác phẩm tranh nghệ thuật sơn mài Việt Nam hiện nay như vấn đề bảo tồn nghề, làng nghề, đào tạo nghề, tôn vinh nghệ nhân, nghệ sĩ, vấn đề bảo tồn lưu giữ tác phẩm. Khí hậu Việt Nam nhiệt đới, nóng ẩm nên phải có biện pháp chống tranh cong, vênh, nứt. Tạo môi trường văn hóa, thị trường tác phẩm, chất liệu đắt, làm tranh công phu thì giá cả tác phẩm như thế nào? Chế độ chính sách của Nhà nước để giúp Tranh sơn mài Việt Nam phát triển. Trên cơ sở tìm phương hướng phát triển, khẳng định giá trị tranh sơn mài Việt Nam, khẳng định tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy nguồn nguyên liệu, biện pháp để tôn vinh nghề, làng nghề, nghệ nhân, nghệ sĩ qua việc chú trọng chế độ chính sách, công tác đào tạo, bảo lưu các công nghệ truyền thống không để thất truyền.
 Đây là đề tài có giá trị về lý thuyết và thực tiễn, góp phần thiết thực đối với sự phát triển mỹ thuật, du lịch, kinh tế, xã hội. Đó là sự cần thiết cấp thiết khi nghiên cứu đề tài này.
 Để có cái nhìn khái quát về tranh sơn mài Việt Nam, trong đề tài này đề cập đến tranh sơn cổ (sơn quang dầu), sơn mài thủ công mỹ nghệ, tranh sơn mài mỹ nghệ bên canh tranh sơn mài tạo hình. Tranh sơn mài theo lối nói dân gian, thói quen của người Việt Nam để chỉ chung loại tranh vẽ bằng sơn ta.
Nguồn: Internet

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những bức tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí

Chính thức khởi động hành trình đưa sơn mài thành di sản thế giới

Những bức tranh sơn mài nổi tiếng