Hành trình sơn mài Việt: Chỉ sợ chưa bảo tồn đã mất

Mai một dần kỹ thuật của nghề
Hội họa sơn mài Việt trong những năm 1930 đã từng ghi dấu vào lịch sử hội họa với nhiều tên tuổi lớn như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Phan Kế An… Nghệ thuật sơn mài Việt cũng đã từng có một thời phát triển rực rỡ, tuy nhiên, hiện nay nghệ thuật sơn mài truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một. Khó khăn về kinh tế, thị trường và thị hiếu đã và đang làm sơn mài gặp rất nhiều khó khăn. Cũng nằm trong vòng xoáy khó khăn như vậy, làng nghề sơn mài Duyên Hạ (xã Duyên Thái, Thương Tín, Hà Nội) sự phát triển của làng nghề còn nhiều trăn trở.
Nhờ sự giới thiệu của anh Nguyễn Văn Mạnh, cán bộ văn hóa xã, chúng tôi đã tiếp xúc với anh Đinh Quý Mạnh, phó chủ tịch Hội Làng nghề sơn mài Hạ Thái, Duyên Thái, một trong những người thợ sơn mài có kỹ thuật nhất làng Hạ Thái. Nói về khó khăn của nghề sơn mài, anh Mạnh chia sẻ: “Thời điểm hiện nay, việc sản xuất và phát triển sơn mài chỉ bằng 1/5 so với thời điểm trước đó. Các thị hiếu của nghề và nhu cầu đầu ra cũng gặp nhiều khó khăn. Nếu trước kia xưởng sản xuất của tôi phải làm ngày làm đêm thì hiện nay chỉ còn phát triển một xưởng nhỏ. Các tác phẩm sơn mài hiện nay chủ yếu là đồ gia dụng và sản phẩm lưu niệm.”
Hanh trinh son mai Viet
Anh Đinh Quý Mạnh bên tác phẩm sơn mài được làm đúng kỹ thuật sơn mài truyền thống.
Bên cạnh đó, hầu hết các làng nghề sơn mài hiện nay thường sử dụng kỹ thuật sơn mài mới, ít người sử dụng kỹ thuật sơn mài truyền thống.
Bởi theo anh Mạnh: “Nghề sơn mài hiện nay có nhiều biến đổi để phù hợp với thị trường thị hiếu và nhu cầu sử dụng. Đa số nghề sơn mài hiện nay phải chạy theo giá cả, thời gian do đó để duy trì làm được nghề sơn mài truyền thống hiện nay một cách đại trà là một việc rất khó. Bởi các kỹ thuật của sơn mài truyền thống đòi hỏi những kỹ thuật rất tỷ mỉ. Ví dụ việc bồi cốt, theo kỹ thuật xưa phải dùng sơn ta, bồi với vải xô theo từng lớp để hình thành cốt. Sau đó đến phủ sơn lên tác phẩm cũng đòi hỏi những yêu cầu kỹ thuật rất khắt khe và cả thời tiết. Nếu thời tiết không đảm bảo cũng khó có một các phẩm hoàn hảo.
Đó là chưa nói đến các công đoạn của quá trình nấu sơn thành sơn then đúng tiêu chuẩn. Nếu một người thợ sơn lành nghề mất một ngày pha sơn chỉ được 5kg mà phải đúng kỹ thuật còn nếu không cũng rất khó. Bên cạnh đó còn nhiều yếu tố khác nhau như thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm… để đảm bảo tác phẩm sơn khô mới đạt được đúng yêu cầu kỹ thuật. Việc thực hiện một sản phẩm sơn mài truyền thống mất khoảng 40 – 45 ngày cho một tác phẩm.”
Anh Mạnh cũng cho biết: “ Hiện nay, như bản thân tôi, người nắm nhiều kỹ thuật về nghề cũng không có nhiều cơ hội để làm sơn mài truyền thống, bởi nó phụ thuộc vào khách hàng. Chỉ khi khách hàng biết và hiểu về sơn mài truyền thống họ đặt hàng thì chúng tôi mới làm. Để hoàn thiện được một sản phẩm truyền thống phải từ sơn ta. Các làng nghề đa số không làm từ sơn ta mà họ làm sơn công nghiệp hay còn gọi là sơn điệp.”
Chỉ sợ chưa bảo tồn kịp đã mất
Nói về sơn mài truyền thống đúng kỹ thuật, anh Mạnh cho biết: “Trước tiên phải làm cốt vóc cho tác phẩm. Sau đó sử dụng sơn ta bọc lớp vải cho sản phẩm. Đối với nguyên liệu để làm sơn mài truyền thống thì phải là nhựa cây sơn ta. Đặc cây sơn ta thì chỉ có vùng Phú Thọ mới có, nhựa sơn ở vùng này mới có thể đáp ức được những yêu cầu kỹ thuật của sơn mài truyền thống.
Tuy nhiên, những năm gần đây, Trung Quốc thu mua rất nhiều sơn ta của người dân khiến vùng nguyên liệu sơn để làm sơn mài gặp khá nhiều khó khăn. Những cây sơn đẹp nhất người dân đều bán cho Trung Quốc hết nên những loại nhựa sơn tốt khó được dùng trong nội địa. Do đó nguồn nguyên liệu cũng bị phụ thuộc. Nếu Trung Quốc thu mua ráo riết thì nguyên liệu sơn chắc chắn sẽ bị khan hiếm và giá thành lúc đó đội giá rất cao.
Hanh trinh son mai Viet
Các tác phẩm sơn mài truyền thống hiện nay chỉ còn… xếp trong kho
Cũng theo các nghệ nhân của làng Hạ Thái, một tác phẩm làm đúng kỹ thuật sơn mài truyền thống có tuổi thọ rất cao có thể vài chục thậm chí vài trăm năm không hỏng. Đây chính là sự khác biệt của sơn mài Việt với sơn mài các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, để làm ra được một tác phẩm như vậy tất nhiên là rất cao và rất kén khách hàng. Để bảo tồn được kỹ thuật truyền thống cũng cần phải có thị trường đầu ra cho tác phẩm. Anh Mạnh cũng trăn trở, nếu không tìm được đầu ra của sản phẩm thì có lẽ việc bảo tồn cũng rất khó được thực hiện.
Trao đổi với chúng tôi, Cục trưởng di sản văn hóa Nguyễn Thế Hùng cho biết: “Việc bảo tồn nghề sơn mài truyền thống là một việc đáng làm từ rất lâu. Tuy nhiên, hiên nay việc quan tâm và phát triển sản phẩm truyền thống vẫn chưa đúng mức. Ở một số tác phẩm chúng tôi tiến hành triển lãm tại Pháp được các bạn đánh giá rất cao. Thế nhưng những tác phẩm như vậy hiện nay chưa nhiều. Bên cạnh đó, việc bảo tồn tranh sơn mài hiện nay cần có một chiến lược hợp lý đề vừa bảo tồn và vừa phát triển, cần có sự vào cuộc của nhà khoa học, nhà nghiên cứu và nhà sản xuất. Tránh việc là di sản rồi nhưng lại toàn hàng thủ công mỹ nghệ như vậy rất không ổn.”
Còn nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình: “Việc bảo tồn nghề sơn mài là một việc đáng phải làm. Tuy nhiên, bên cạnh việc bảo tồn nghề cũng cần chú ý đến việc làm thế nào cho người biết đến mình. Nghĩa là quy trình sản phẩm, chất lượng sản phẩm và những nét độc đáo của sơn mài Việt được nhiều người biết đến. Như Nhật Bản, công việc làm ra một sản phẩm sơn mài của họ rất khó, rất kỳ công nhưng họ vẫn bán được những tác phẩm giá trị cao. Còn của ta, được các chuyên gia đánh giá cao nhưng giá thành sản phẩm lại rẻ. Đây là điều thiệt thòi của nhiều làng nghề truyền thống Việt chứ không riêng gì nghề sơn và sơn mài.”
Ngày 16/9/2015, Tổng cục Di sản văn hóa Hàn Quốc có thư gửi Bộ VH, TT& DL Việt Nam đề nghị cùng Hàn Quốc xây dựng hồ sơ đa quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh nghệ thuật sơn mài vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sau khi nghiên cứu và trao đổi với một số cơ quan liên quan, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc này.
Trần Phương
Chúng tôi chuyên cung cấp các loại Sơn mài cao cấptranh sơn màisơn mài đảm bảo chất lượng cũng như uy tín đối với mọi khách hàng

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những bức tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí

Những bức tranh sơn mài nổi tiếng

Tranh sơn mài hoa sen trắng