Hầu đồng ảo diệu trên sắc sơn mài | Sơn mài cao cấp | Sơn mài | Tranh sơn mài

20 năm vẽ về hầu đồng
Không vì việc UNESCO ghi danh Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12.2016 mới khiến họa sĩ Trần Tuấn Long quan tâm tới không gian của Đạo Mẫu. Cách đây hơn 20 năm, trong một lần tình cờ được xem giá đồng, anh đã bị mê hoặc bởi những khoảnh khắc chưa từng biết. “Đó là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với loại hình nghệ thuật tổng hợp như vậy. Sự thăng hoa đã đến một cách thật tự nhiên qua các vũ điệu, nghi lễ cúng tế, trong tiếng nhạc và những bộ trang phục sặc sỡ... tất cả tạo nên sức cuốn hút diệu kỳ của tín ngưỡng dân gian này. Ngay lập tức tôi nhận thấy đây là nghệ thuật mang tính tâm linh độc đáo của dân tộc và nghĩ phải thể hiện nó trong tác phẩm của mình. Từ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu về đạo Mẫu và lên đồng, xem nhiều buổi hầu ở các đền, phủ...” -  họa sĩ Trần Tuấn Long cho biết.
Như có căn duyên và được truyền cảm xúc thăng hoa qua các giá đồng, họa sĩ Trần Tuấn Long đã nắm bắt những khoảnh khắc đẹp đưa vào tác phẩm. Bức đầu tiên được vẽ năm 1998, và từ đó đến nay anh tiếp tục miệt mài với đề tài này. Năm 2005, anh gửi những bức tranh hầu đồng tham dự Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc, nhưng đã bị loại vì lý do “đề tài mê tín dị đoan”. Không vì thế tình yêu nghệ thuật của tín ngưỡng thờ Mẫu bị cùn nhụt, anh âm thầm mài sắc thêm trong các bức họa thực hiện sau đó.

hầu đồng
Huyền bí, đa sắc với sơn ta. Gần 20 năm tâm huyết, những tác phẩm sơn mài khổ lớn của Trần Tuấn Long lần lượt tái hiện những khoảnh khắc các thanh đồng hóa thân thành ông Hoàng, bà Chúa. Không chỉ là bữa tiệc của ánh sáng và màu sắc kỳ ảo, các bức tranh sơn mài như lưu chứa cả nhịp điệu réo rắt trầm bổng, điệu nhảy huyền hoặc, thấp thoáng bóng dáng thần tiên trong giây phút thăng hoa của các thanh đồng. Sắc diện của nhân vật được tập trung lột tả theo từng giá đồng. Cùng là một thanh đồng nhưng chầu hàng quan thì oai phong lẫm liệt, hàng cô cậu nhí nhảnh hồn nhiên, ngây thơ... “Qua các bức tranh, tôi muốn mang đến cảm xúc của một họa sĩ đang sống ở thời điểm hiện tại nhìn về hầu đồng, nên ngoài nhân vật chính là các thanh đồng, tôi còn đưa hình ảnh tranh dân gian, tượng, đồ thờ trong đền phủ làm nền cho tranh, nhằm gợi lại vốn cổ và nét xưa trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, gắn kết hiện tại với quá khứ” - họa sĩ Trần Tuấn Long chia sẻ.
 “Tinh tế ngôn ngữ cực thực hay siêu thực, mạnh mẽ biểu hiện rồi nhẹ nhàng trừu tượng, vừa mới đó nương náu nơi bức họa đã phiêu lãng buông theo những khúc điệu thiêng đang biến hóa đầy quyến rũ trong cung đàn, tiếng hát chầu văn. An nhiên một cõi thiêng trong cuộc sống trần gian, đạo Mẫu của người Việt với nghi lễ hầu đồng qua các tác phẩm sơn mài độc đáo của họa sĩ Trần Tuấn Long đã mở tiếp một trang đẹp đẽ cho dòng tranh Thánh Mẫu trong nền hội họa đương đại Việt Nam thế kỷ XXI”.
 Họa sĩ Lương Xuân Đoàn
Gắn bó với chất liệu này và nhiều lần thử nghiệm, cho ra nhiều màu sắc mới, họa sĩ Trần Tuấn Long cho rằng, kỹ thuật sơn mài - sơn mài cao cấp  kỳ công, mất nhiều thời gian (trung bình mỗi bức tranh phải làm trong một tháng), bù lại, sơn ta truyền thống với màu sắc đa dạng, có độ sâu, bóng, thể hiện được tất cả hệ thống màu sắc huyền bí, phong phú trong các giá đồng mà chất liệu khác không làm được.
Xem các tác phẩm sơn mài về hầu đồng, họa sĩ Đức Hòa nhận định: “Trần Tuấn Long đã diễn đạt thành công những âm vang sâu thẳm của màu sắc, luyến láy điệu đà của đường nét, lung linh rực rỡ của vàng son, bóng dáng tín ngưỡng của thần tiên từ tranh thờ... Bởi mang bản sắc dân tộc, thế giới phiêu linh của các thánh Mẫu và các ông Hoàng từng in đậm trong tranh dân gian. Nay là lúc thế giới ấy bừng nở trong tranh sơn mài hiện đại...”.
Nhiều năm ròng âm thầm thể hiện sắc thái đa dạng lên bộ tranh sơn mài Hầu đồng, có lúc nản chí, nhưng lại được động viên, tiếp lửa, đến nay họa sĩ Trần Tuấn Long sở hữu hàng chục tác phẩm về đề tài này. 26 tác phẩm, sáng tác từ năm 1998 cho đến đầu năm 2017 được anh chọn giới thiệu tại triển lãm Giá Thánh, diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, từ ngày 8 - 15.3. Việc chọn thời điểm triển lãm cũng là sự tình cờ. Họa sĩ chia sẻ: “Tôi đăng ký triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ năm 2015 để trưng bày tranh vào năm 2016, nhưng Bảo tàng kín lịch và phải lùi đến đầu năm 2017. Rất may là  cuối 2016, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận. Đây cũng là một cơ duyên...”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những bức tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí

Những bức tranh sơn mài nổi tiếng

Tranh sơn mài hoa sen trắng