Cơ hội của ngành sơn mài

Sơn mài đang đứng trước “ngưỡng cửa” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhưng đó là chuyện của tương lai. Còn hiện tại, số làng nghề làm sơn mài ngày càng ít. Số người làm theo phương thức cổ truyền càng hiếm. Ví như ở làng sơn mài Hạ Thái (Thường Tín, Hà Nội), người ta chủ yếu dùng sơn hạt điều, sơn Nhật để làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sơn mài.
Cầm vàng mà lại... bỏ quên

Những bức hoành phi câu đối, những pho tượng cổ vẫn rực rỡ mầu vàng son mặc lớp thời gian mấy trăm năm. Đấy là nhờ nghề sơn cổ truyền. Từ nhựa cây sơn ở Phú Thọ, trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp, người thợ đã biến thành một vật liệu đặc biệt, bền vững với thời gian để tạo nên những sản phẩm văn hóa, nhất là văn hóa tâm linh. Nhưng hiện giờ, mỗi khi trùng tu, phục chế các di tích, một cách tiện thể nhất, người ta dùng sơn công nghiệp. Không thể nói là xã hội không có nhu cầu. Các công trình tâm linh được trùng tu, phục dựng ngày càng nhiều. Họa sĩ Lý Trực Sơn cho rằng, chẳng có ai giám sát hay khuyến khích việc ứng dụng nghề truyền thống, để phục chế, phục dựng các sản phẩm văn hóa truyền thống. Sơn ta lép vế, sơn ta thất bại, dù sơn công nghiệp chỉ vài năm là kềnh kệch đổi mầu.

Kỹ thuật sơn mài xuất hiện muộn hơn. Từ cách làm sơn ta, những họa sĩ của Trường mỹ thuật Đông Dương đã kết hợp với một số nghệ nhân để tạo ra một loại vật liệu mới, dùng sơn ta kết hợp với kỹ thuật mài được ứng dụng trong mỹ thuật. Sơn mài có khả năng tạo hiệu ứng đặc biệt trong tạo hình và sự xuất hiện của tranh sơn mài đã làm rạng danh mỹ thuật Việt Nam. Cũng từ ứng dụng này, song song với các tác phẩm nghệ thuật, các làng nghề sơn mài đã sản xuất ra vô số sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đã có thời gian, Việt Nam xuất khẩu sang các nước châu Âu sản phẩm sơn mài với số lượng rất lớn. Nhưng số phận của kỹ thuật sơn mài hiện cũng không khác với sơn ta là bao nhiêu. Từ sau năm 1975, một số hợp tác xã sơn mài đã bắt đầu nhập sơn công nghiệp về làm “sơn mài”, thay cho nguyên liệu truyền thống là sơn ta. Tiếp đó, là sự xuất hiện của sơn “hạt điều” (sử dụng dầu hạt điều thay cho sơn ta). Ông Đỗ Hùng Chiêu, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề sơn mài Hạ Thái cho rằng, đó là “sơn mài mới”. Sở dĩ, vẫn sử dụng thuật ngữ sơn mài là vì tuy dùng sơn công nghiệp, hoặc sơn hạt điều, nhưng quy trình sản xuất vẫn được giữ như cách làm với sơn ta. “Sơn mài mới” ngày càng phổ biến trong cả nghệ thuật lẫn đồ mỹ nghệ.

“Ở đây là bài toán kinh tế. Không phải người Hạ Thái không tôn trọng truyền thống. Nhưng nếu làm sản phẩm sơn ta, giá thành sẽ rất cao, thị trường khó chấp nhận. Hơn nữa, quy trình làm một sản phẩm sơn ta phải mất 60 ngày. Nhiều lô hàng không cho phép khoảng thời gian dài đến vậy nên bắt buộc chúng tôi phải sử dụng sơn công nghiệp, hoặc sơn hạt điều. Có thể nói nếu không có cách làm này thì làng nghề Hạ Thái đã chết từ lâu” - ông Đỗ Hùng Chiêu cho biết.

Cơ hội đổi đời?

Chương trình “Chuyện sơn mài Việt Nam” do Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức dịp cuối tháng tư, đầu tháng năm thu hút đông người xem hơn dự kiến. Tại các địa điểm trong phố cổ, khách tham quan được tìm hiểu kỹ thuật làm ra một bức tranh sơn mài, từ công đoạn lấy sơn, cho đến nhiều công đoạn khác cũng như những sản phẩm sơn cổ truyền, tác phẩm nghệ thuật hay thủ công mỹ nghệ. Đang trong giai đoạn khó khăn, đến độ vùng nguyên liệu cũng chặt dần cây sơn, “bỗng dưng” lại... hấp dẫn.

Bất ngờ này đến từ việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới trình Thủ tướng Chính phủ xem xét để xây dựng hồ sơ đa quốc gia về sơn mài để “ứng cử” danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (phối hợp với Hàn Quốc và có thể là Trung Quốc, Nhật Bản). Có mặt tại buổi tọa đàm trong khuôn khổ chương trình “Chuyện sơn mài Việt Nam”, TS Phạm Sanh Châu, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho rằng: “Những di sản của Việt Nam như: Quan họ Bắc Ninh, cồng chiêng Tây Nguyên, hát xoan Phú Thọ... đều được bảo tồn tốt hơn. Tuy nhiên, đây đều là hoạt động trình diễn, tín ngưỡng. Sơn mài là loại hình di sản đầu tiên trực tiếp đem lại giá trị kinh tế của Việt Nam được đề nghị công nhận. Nếu được UNESCO công nhận, nó sẽ đem lại cơ hội rất lớn không chỉ cho bảo tồn, mà còn đem lại giá trị kinh tế, khi các sản phẩm sẽ gia tăng giá trị”.

Sơn mài sẽ là một ứng cử viên “nặng ký” cho danh hiệu của UNESCO. Nhưng theo các chuyên gia, thực tế ở Việt Nam hiện nay khiến khó khăn bắt đầu ngay từ việc làm hồ sơ. UNESCO chỉ công nhận, vinh danh làng nghề. Trong khi đó, những người giữ cách làm cổ truyền, nguyên liệu kiểu truyền thống hiện chủ yếu là… giới nghệ sĩ. Còn sơn mài làng nghề lại chủ yếu là “sơn mài mới”. Câu hỏi lớn nhất đặt ra là liệu UNESCO có chấp nhận sự biến thiên này trong nghề hay không? Hay chúng ta phải tìm cách khôi phục nguyên bản kỹ thuật cổ truyền, nguyên liệu truyền thống tại những làng nghề?

Căn cứ số lượng các di sản của Việt Nam đang xếp hàng chờ đi “ứng cử” và quy định về trình tự “ứng cử” của UNESCO, phải 24 năm nữa, sơn mài mới đến lượt, nếu chỉ làm hồ sơ sơn mài Việt Nam. Việc Hàn Quốc đề nghị hợp tác với Việt Nam trong lập hồ sơ đa quốc gia di sản sơn mài là cơ hội tốt, vì hồ sơ đa quốc gia sẽ không bị chi phối bởi quy định mỗi quốc gia chỉ được đăng ký một hồ sơ trong hai năm. Nhưng liệu chúng ta có tận dụng được hay không? Câu chuyện sơn mài nhắc ta một bài học quen thuộc ở Việt Nam, là nước đến chân, mới loay hoay chuyện nhảy!

Nguồn :Internet


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những bức tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí

Những bức tranh sơn mài nổi tiếng

Tranh sơn mài hoa sen trắng