Thử nghiệm chất liệu sơn mài, họa sỹ

Sơn mài được xem là một chất liệu khó chơi đối với nhiều họa sỹ, không chỉ ở trình độ tạo màu sắc mà còn ở sự tiêu tốn tiền bạc cho chất liệu này. Vì vậy, tranh sơn mài đang có nguy cơ mai một lớn.
Họa sỹ Đặng Phương Việt, một trong số ít họa sỹ Việt Nam tạo dựng được phong cách riêng với hình tượng hoa sen. Ảnh: nhân vật cung cấp.
Tranh sơn mài dường như là lãnh địa độc quyền của nền hội họa châu Á với các “ông lớn” Trung Quốc, Nhật Bản và kế đó là Việt Nam. Dòng tranh truyền thống này đặc biệt bởi dày đặc những lớp nguyên liệu từ bùn, vỏ chai, vỏ trứng đến những nguyên liệu đắt đỏ như đá quý, màu son, vàng, bạc phủ lên.

Không như các chất liệu khác, vẻ đẹp của nghệ thuật sơn mài nằm ở độ sâu của màu, được tạo ra từ tầng tầng lớp sơn và ẩn ở đáy vóc. Màu tranh sẽ hiện dần qua mỗi lớp mài của họa sỹ. Để làm ra một tác phẩm tranh sơn mài quả thực vô cùng công phu và tốn thời gian, tiền bạc. Vì thế, cũng không nhiều họa sỹ đủ sức “chơi” với chất liệu này đến cùng.

Phóng viên Vietnamplus đã có cuộc trao đổi với họa sỹ Đặng Phương Việt (quen thuộc với công chúng ​với tên Việt sen) câu chuyện về tranh sơn mài đang dần bị mai một ở Việt Nam.

Con đường khổ ải…


- Theo tôi thấy, để theo đuổi dòng tranh sơn mài thực sự là cuộc chơi của những hoạ sỹ không những giỏi nghề, tâm huyết và hiểu biết mà còn phải giàu tiềm lực kinh tế, mà theo cách gọi của tôi là “họa sỹ đại gia” mới chơi tranh sơn mài, vì tranh sơn mài phủ rất nhiều lớp vàng, bạc. Nên đây thực sự không phải là “cuộc chơi” dành cho số đông họa sỹ…


Họa sỹ Phương Việt: Tranh sơn mài khó ở chỗ rất kỳ công, đòi hỏi người họa sỹ phải kiên trì trong thời gian dài, nguyên liệu làm sơn mài lại đắt đỏ cũng là thách thức với các họa sỹ. Tôi đặc biệt thích sơn mài vì trong đó có đủ “thượng vàng hạ cám,” từ bùn, vỏ chai, vỏ trứng đến những nguyên liệu rất đắt như đá quý, màu son, vàng, bạc.

Những chất liệu này đưa cả vào tranh khiến tác phẩm nghệ thuật đầy ắp sự phong phú và hiệu quả nghệ thuật. Thực tế, với tranh sơn mài, nếu chỉ có thời gian, nguyên liệu thì chưa đủ, họa sỹ cũng phải cần có đam mê và đặc biệt vững về kinh tế.
Thử nghiệm mới của họa sỹ 'Việt sen' với chất liệu sơn mài. Ảnh: nhân vật cung cấp
- Cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Việt Nam gần như là quốc gia độc tôn trong lãnh địa sơn mài trên thế giới. Nhưng thực tế đáng buồn là trong nhiều năm qua số họa sỹ gắn bó được với dòng tranh đặc biệt này gần như không còn nhiều. Theo anh là vì sao?

Họa sỹ Phương Việt: Tranh sơn mài yêu cầu người họa sỹ phải vững tay nghề, am hiểu chất liệu và có điều kiện về kinh tế. Tôi nói thế vì nguyên liệu của tranh sơn mài có cả vàng, bạc. Hơn nữa, tranh sơn mài là tác phẩm cầu kỳ trên mọi khía cạnh, từ lúc tạo dựng phác thảo.

Trong những năm tháng đất nước khó khăn, bao cấp, tranh sơn mài Việt Nam vẫn phát triển rực rỡ với các gương mặt họa sỹ tên tuổi như Quang Sáng, Sỹ Ngọc có “Tình quân dân”…

Tiếc rằng họa sỹ Việt Nam hiện nay có tình trạng “ăn xổi,” cóp nhặt, không chịu tư duy suy nghĩ, tìm tòi phong cách cá nhân mà sao chép của những họa sỹ đã thành danh. Thậm chí, các họa sỹ vẽ tranh sơn mài ở Việt Nam hiện nay đang trong giai đoạn phát triển méo mó, nhìn mọi thứ một cách méo mó.

Tôi có thể khẳng định với bạn rằng, tranh sơn mài là một con đường đầy khổ ải, vất vả. Hơn nữa, nhu cầu tranh sơn mài ra nước ngoài hầu như không có. Vì ở nước ngoài, khí hậu không phù hợp, làm tranh dễ bị cong vênh. Không bán được thì họa sỹ chỉ vẽ theo kiểu cầm chừng hoặc “ăn xổi.”

Đó là một số lý do khiến họa sỹ Việt Nam không theo đuổi tranh sơn mài theo đúng nghĩa. Tất nhiên, vẫn còn những họa sỹ yêu thích yêu thích dòng tranh này và họ vẫn tìm tòi, sáng tạo và đi đúng con đường, cũng khẳng định được chỗ đứng nhất định. Họ phát triển theo hướng hiện đại hơn chứ không chỉ đeo đuổi sơn mài truyền thống.

“Việt sen” và cuộc thử nghiệm “phá” bỏ truyền thống


- Anh là số ít họa sỹ ở Việt Nam đã tạo dựng được phong cách riêng với hình tượng hoa sen và khá bền sức với các cuộc triển lãm cá nhân cả trong nước và nước ngoài hàng năm. Vì sao triển lãm “Sen Việt 2016” lần này lại là sen trên sơn mài? Và sen trên sơn mài của anh có hiệu ứng đặc biệt gì khác so với các chất liệu khác mà công chúng vẫn quen thuộc?

Họa sỹ Phương Việt: Thực ra với sen trên sơn mài, tôi muốn tìm hiểu thêm một khả năng khác, một thể nghiệm khác trên tranh của mình. Đây cũng là cái duyên của tôi. Vì bố tôi là họa sỹ vẽ tranh sơn mài nên ngay từ bé tôi đã được tiếp xúc với sơn mài. Triển lãm này cũng là cách để tôi tưởng nhớ đến ông, tưởng nhớ người cha đã mất.

Đồng thời thể nghiệm sen trên sơn mài cũng là cơ hội tôi muốn tìm hiểu ngôn ngữ mới trên chất liệu mới, thể hiện một bước sáng tạo nữa trên con đường nghệ thuật của mình.

Sen trên sơn mài sẽ tạo hiệu ứng tốt hơn, đem đến cảm giác đằm sâu, sang trọng hơn rất nhiều so với tranh sơn dầu và thực sự hợp với không gian sống của người Việt.
Ảnh: nhân vật cung cấp
- Màu sắc sơn mài truyền thống thường là những gam màu trầm trong khi xem tranh sơn mài của anh tôi lại thấy rất tươi tắn. Anh cũng dùng tổng hợp các loại sơn nhập khẩu chứ không chỉ sử dụng sơn ta. Hình như anh đang muốn “phá” truyền thống?

Họa sỹ Phương Việt: Về màu sắc của tranh sơn mài, ngày xưa, với những bó buộc của xã hội, nghiên cứu cũng như giao lưu với thế giới còn hạn chế nên chúng ta chỉ hiểu sơn mài theo nghĩa truyền thống. Tôi nghĩ, đến giờ chúng ta cần nhìn nhận sơn mài chỉ là một chất liệu để các họa sỹ thử nghiệm làm tranh.

Tranh của tôi nhiều người xem nói vui là “xanh đỏ,” tức là mang lại một cảm xúc mãnh liệt cho họ, và sơn mài đã thực sự mang lại cảm giác đằm sâu hơn. Tôi đã phải nghiên cứu rất kỹ mới tìm ra được các loại sơn và kết hợp lại để cho ra những màu sắc mới có độ bền cao, chịu được khí hậu khắc nghiệt của Việt Nam và thậm chí chịu được cả nhiệt độ điều hòa. Tôi không chỉ sử dụng sơn ta, mà còn các loại sơn khác của Trung Quốc và Nhật Bản.

Ở thế giới mở như hiện nay, tôi thiết nghĩ chúng ta không nên bó mình vào sơn mài truyền thống với những hạn chế về màu, chất liệu.

- Vậy triển lãm tranh sơn mài sắp tới của anh sẽ là một không gian như thế nào?

Họa sỹ Phương Việt: Công chúng vốn biết đến tôi nhiều qua những tác phẩm tranh sen sơn dầu. Nhưng lần này, tôi muốn đưa đến cho công chúng một cảm nhận khác, kết nối giữa quá khứ và tương lai, kết nối giữa sơn mài truyền thống và sơn mài hiện đại với khả năng dùng màu, sử dụng chất liệu mới cũng như khả năng tìm hiểu, nghiên cứ kỹ về chất liệu hiện đại để đưa đến cảm nhận cuối cùng: chất liệu chỉ là thể nghiệm hay là cái cớ để người họa sỹ tạo ra tác phẩm nghệ thuật, còn bản thân tác phẩm tự nó đã toát lên vẻ đẹp của những sắc màu trầm, không gian tĩnh lặng hơn, sang trọng hơn trong nhìn nhận của mỗi người.

- Cảm ơn những chia sẻ của anh. Chúc những thể nghiệm vẽ sen trên chất liệu sơn mài của anh sẽ thành công và được công chúng đón nhận.
Triển lãm “Sen Việt 2016” của họa sỹ Đặng Phương Việt sẽ giới thiệu tới công chúng 12 tác phẩm, bao gồm có 8 bức tranh sơn mài và 4 bức tranh sơn dầu; trưng bày từ ngày 23-31/5 tại số 2 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo Vietnamplus

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những bức tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí

Chính thức khởi động hành trình đưa sơn mài thành di sản thế giới

Những bức tranh sơn mài nổi tiếng