Danh họa Nguyễn Gia Trí, lộng lẫy sơn son thếp vàng

Khi còn ở tuổi thiếu niên, Nguyễn Gia Trí theo anh trai là Nguyễn Gia Tường làm nghề giáo học, ra sống ở Hà Nội. Nguyễn Gia Trí được anh cho theo học trung học ở Trường Bưởi, một trường danh tiếng bậc nhất lúc bấy giờ.

Nguyễn Gia Trí tỏ rõ năng khiếu hội họa rất sớm, đồng thời cũng có tính độc lập thật mạnh từ nhỏ. Sau trung học, ông vào học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khoá V, năm 1929.

Phần lớn các sinh viên thuộc địa hồi đó đều có ý muốn được độc lập trong chọn lựa cách thể hiện nghệ thuật của bản thân, Nguyễn Gia Trí là trường hợp nổi hẳn lên. Do vậy, khi học đến năm thứ ba, ông rời bỏ trường họa, về mở xưởng vẽ và tự học. Lý do rời trường, như ông nói với người thân, rất đơn giản là “nhà trường không dạy gì hay hơn!”.
Danh họa Nguyễn Gia Trí
Trên thực tế, từ năm 1925, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã để ý đến chất liệu sơn mài và đã mời nghệ nhân Đinh Văn Thành ở làng nghề sơn mài Hạ Thái đến hướng dẫn cách dùng màu sơn ta. Nhưng, họ chỉ coi đó là kỹ thuật làm hàng mỹ nghệ chứ không phải là nghệ thuật. Đó là điều Nguyễn Gia Trí không chịu.

Hai năm sau, theo lời khuyên của bạn bè, Nguyễn Gia Trí trở lại trường học tiếp với các sinh viên khoá VII, trong đó có Trần Văn Cẩn, Lưu Văn Xìn, Vũ Đức Nhuận, Nguyễn Trung Bang, Nguyễn Văn Tại. Chính vì thế mà Nguyễn Gia Trí phải mất đến mười năm mới có tấm bằng danh giá của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Ngay thời gian đang học trong trường, Nguyễn Gia Trí đã vẽ tranh sơn dầu và cả tranh sơn mài, và được người đời coi là họa sĩ có danh tiếng. Nhóm Tự lực văn đoàn đã mời ông tham gia như một thành viên, làm họa sĩ chính của báo Ngày Nay. Nhà thơ Huy Cận thân với Nguyễn Gia Trí chính từ những lần gặp gỡ ở Tòa soạn Ngày Nay.

Vườn xuân Trung-Nam-Bắc. Tranh sơn mài Nguyễn Gia Trí.

Trong bài hồi ức "Ngày xuân nhớ Nguyễn Gia Trí thiên tài", Tết Mậu Dần 1998, Huy Cận viết: “Tôi có đọc bài của Đỗ Thúc Trâm viết về tranh sơn dầu của anh… Rồi tôi và Xuân Diệu lên chơi ở xưởng họa sĩ của anh (xưởng sơn mài) ở đường Quần Ngựa (nay là đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội). Có lúc anh vừa nói chuyện với chúng tôi, tay vừa mài tranh sơn mài ngâm trong “bể” nước.

Anh mài say sưa, rõ ràng mài không phải là động tác cơ học mà là một hoạt động sáng tạo… Bức tranh sơn mài cỡ lớn nổi tiếng đầu tiên của anh là Thiếu nữ bên Hồ Gươm. Xem anh vẽ trên những pa-nô gỗ lớn, xem anh mài trong cái “lò cừ” của anh, tôi nghĩ đến Michel Angelo tay cầm búa to tạc tượng đá giữa đêm khuya…”.

Mặc dù những bức tranh sơn mài nổi tiếng đầu tiên của Nguyễn Gia Trí đã được công chúng nghệ thuật tán thưởng, các nhà mỹ thuật của Pháp còn chưa muốn công nhận, chỉ coi đó là một loại sản phẩm mỹ nghệ. Còn Nguyễn Gia Trí, từng cho rằng “nhà trường (Mỹ thuật Đông Dương) không dạy gì hay hơn!”, nên ông cứ sáng tạo theo cảm hứng của một tài hoa độc đáo.

Năm 1938, khi tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí được đem bày tại một cuộc triển lãm lớn tại Hà Nội, công chúng hết sức tán thưởng, và họa sĩ Tô Ngọc Vân đã khẳng định trong một bài báo: “Đến cuộc thí nghiệm của Nguyễn Gia Trí, lối sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa. Ở óc, ở tâm hồn người ấy, nó đã được nâng lên thành mỹ thuật thượng đẳng…”.

Trong hồi ức của mình, Huy Cận có nói riêng về tranh minh họa của Nguyễn Gia Trí “cực kỳ đẹp, là những bức tranh sáng tạo”. Huy Cận viết:

“Một ngày kia, ai đó có công sưu tầm những bức minh họa trên báo Ngày Nay thì sẽ làm được một Album mỹ thuật rất giá trị. Có những lần tôi ngồi ở Tòa soạn báo Ngày Nay xem anh vẽ minh họa bằng bút sắt và mực tàu. Dưới ngòi bút của anh, cảnh vật và nhân vật cứ hiện lên vùn vụt, như từ một lò tạo hoá mà tuôn ra. Anh vẽ như thế một mạch, không cần chữa đi, chữa lại lần nào. Thật có cảm giác anh là một sức mạnh của thiên nhiên, của tạo hóa”.

Tác phẩm "Vườn Xuân Trung-Nam-Bắc" tại Bảo tàng Mỹ thuật Tp.HCM
Tuy nhiên, tài năng xuất chúng của Nguyễn Gia Trí thể hiện đầy đủ nhất ở tranh sơn mài. Câu nói truyền nhau trong đời sống nghệ thuật từ những năm bốn mươi của thế kỷ XX: “nhất Trí, nhì Lân, tam Vân, tứ Cẩn” cho thấy tầm mức cũng như vai trò tiên phong của ông trong nền mỹ thuật Việt Nam.

Tranh Nguyễn Gia Trí không nhằm thể hiện chủ nghĩa lãng mạn với những vẻ “tân thời” rất được ưa chuộng ở những đô thị lớn nước ta nửa đầu thế kỷ XX; mà tranh của ông là sự sống Việt Nam, qua tư duy trữ tình của ông, thành nghệ thuật, thăng hoa trong ánh lộng lẫy của sơn son thếp vàng truyền thống. Nó có mang hồn dân tộc.

Những bức tranh như "Ai mua rươi ra mua", "Thiếu nữ bên hồ sen", "Vườn xuân Trung-Nam-Bắc"… thực sự mang những vẻ đẹp diễm lệ. Chúng tôi đồng cảm vời ký giả Nhật Nam, khi ông coi những bức tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí là “bản du ca tôn giáo đầy sắc màu của sự sống. Đây chính là khoảng cách mong manh giữa gánh nặng trần thế và cõi siêu thoát mà họa sĩ đã để lại cho hậu thế; nó giúp ta hiểu cái mê hoặc ngót nửa thế kỷ qua và còn mãi mãi nơi nghệ thuật Nguyễn Gia Trí” (Tạp chí Hà Nội Ngàn Năm, số 4/2005).

Qua lao động rất nhẫn nại của người vẽ sơn mài, Nguyễn Gia Trí đã sáng tạo liên tiếp những tác phẩm mỹ thuật mang dấu ấn của riêng ông. Những năm bốn mươi của thế kỷ trước, tranh Nguyễn Gia Trí được công chúng nghệ thuật vô cùng yêu thích, hễ họa sĩ vẽ xong một bức là có người xin được xem và có người muốn mua.

Những năm có chiến tranh chống Pháp, Nguyễn Gia Trí vẫn vẽ, ông chỉ biết vẽ, và chỉ có thể sống bằng cách vẽ tranh mà thôi. Có những năm ông bươn trải sống bằng nghề vẽ tranh ở Trung Quốc, Hồng Kông. Có lẽ chính họa sĩ cũng không biết là mình có bao nhiêu tác phẩm và được người ta treo ở những nơi nào…

Đến năm 1950, Nguyễn Gia Trí về nước. Là một nghệ sĩ với cá tính mạnh, Nguyễn Gia Trí có chống lại chính quyền thực dân đang chiếm đóng Hải Phòng. Ông bị thực dân Pháp bắt, đưa đi an trí tại Thủ Dầu Một (Bình Dương). Đến năm 1953, được trả tự do, ông về Sài Gòn, vẽ và sống bằng nghề vẽ. Chưa kịp trở về quê nhà thì có Hiệp định chia đôi đất nước, Nguyễn Gia Trí cư ngụ tại Sài Gòn từ đó.

Là một hiện tượng đẹp đẽ lạ thường xuất hiện ngay từ buổi đầu của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, Nguyễn Gia Trí có danh tiếng lớn, và ông biết giữ gìn nó. Nghe tiếng danh họa nguyễn Gia Trí, Tổng thống Cộng hoà miền Nam Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ có mời ông vẽ tranh cho ông ta. Nhưng Nguyễn Gia Trí từ chối với lý do ông chỉ có thể vẽ đẹp những gì ông yêu thích, như thiên nhiên, cây cỏ Việt Nam, hay phụ nữ đẹp…

Ông sáng tác liên tục cho đến năm 1993 thì qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo lời kể của Huy Cận, Nguyễn Gia Trí luôn luôn thương nhớ quê hương. Cuối đời, lòng nhớ thương ấy thể hiện trên tác phẩm sơn mài lớn Nhớ quê hương miền Bắc.

Một dạo báo chí có đưa tin chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh muốn mua tác phẩm của Nguyễn Gia Trí với giá cao kỷ lục ở Việt Nam. Nhà thơ Huy Cận thỉnh thoảng có vào Sài Gòn thăm họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Như Huy Cận viết:

“Có lần đàm đạo về nghệ thuật, về hiện thực và tượng trưng, anh Trí vừa cười vừa nói: “Nghệ thuật nào mà không hiện thực và không tượng trưng? Ông xem, trong tranh sơn mài, trời lại đỏ hoặc màu son. Đó là ước lệ, là tượng trưng. Nghệ thuật bắt buộc phải tượng trưng; nhưng tượng trưng để mà nói cái bề sâu, cái cốt lõi của hiện thực…””.

Nguyễn Gia Trí là vậy đấy, sức toả sáng rực rỡ của tên tuổi ông trên bầu trời hội họa Việt Nam không được tạo bởi những giải thưởng to tát, mà khởi nguồn từ tài năng thiên phú, lao động hết mình và tầm suy nghĩ sâu xa, phần nào thể hiện qua câu ông nói với Huy Cận!

Nguồn :Internet

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những bức tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí

Những bức tranh sơn mài nổi tiếng

Tranh sơn mài hoa sen trắng