Nghề sơn mài truyền thống Việt Nam trước ngưỡng cửa di sản thế giới

Đây là tín hiệu tích cực nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị độc đáo của nghề sơn mài truyền thống Việt Nam trên phạm vi quốc tế và thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể giữa các nước trong khu vực.
Nói về nghề sơn mài, có thể cho rằng đây là một trong các chất liệu hội họa vô cùng độc đáo và cũng là phát hiện có tính bước ngoặt của sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật nghề sơn ta thủ công truyền thống của Việt Nam thành nghệ thuật hội họa tranh sơn mài.
Ở nước ta, sơn mài có lịch sử lâu đời. Tranh sơn mài sử dụng các vật liệu truyền thống của nghề sơn như: sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai….vẽ trên vóc màu đen. Tuy nhiên phải đến đầu thập niên 1930, lớp họa sĩ Việt Nam đầu tiên học tại trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi và phát hiện thêm nhiều chất liệu đặc biệt như vỏ trứng, ốc, cật tre…họ đã tìm cách đưa những chất liệu này vào kỹ thuật mài và tạo nên một kỹ thuật sơn mài mới độc đáo, rồi từ đó sáng tác nên những bức tranh sơn mài thực sự giá trị. Về sau này, nghề thủ công truyền thống đã phát triển sang nghề thủ công mỹ nghệ, cao hơn là nghệ thuật tạo hình hiện đại (tranh sơn mài), với các giá trị đặc sắc về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và khoa học.
Mặc dù tại một vài nước khu vực Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản…cũng có những sản phẩm sơn mài nhưng những đồ dùng hoặc vật dụng trang trí mỹ nghệ sơn mài đó hoàn toàn khác với tranh sơn mài của Việt Nam. Sự khác biệt đó nằm ở kỹ thuật sơn mài cũng như các vật liệu được sử dụng. Một đặc điểm khiến tranh sơn mài thêm hấp dẫn là để tạo nên một bức tranh sơn mài thì phải thực hiện theo cách rất trái ngược so với các loại tranh khác. Muốn lớp sơn vừa vẽ khô, tranh phải ủ trong tủ ủ kín gió và có độ ẩm cao. Muốn nhìn thấy được tranh lại phải mài mòn đi mới thấy hình.
Tác phẩm Dọc mùng của danh họa Nguyễn Gia Trí
Tác phẩm Tát nước đồng chiêm của họa sĩ Trần Văn Cẩn
Tại Việt Nam, những vết tích đầu tiên về sơn mài đã được khai quật cách đây hàng trăm năm. Vào thời Đinh (930-950), dân ta đã dùng mủ cây sơn để trét thuyền; rồi lần lượt qua các triều đại Lê, Lý, Trần còn giữ được nhiều cổ vật, nhiều pho tượng gỗ hay đất đều được sơn son thếp vàng... Mãi đến thời vua Lê Nhân Tông (1443-1460), cụ Trần Lư (hiệu Trần Thượng Công) mới được tôn là bậc thầy đầu tiên của ngành nghề này. Các học trò của cụ đã lập phường thợ tỏa đi khắp nơi, những người thợ giỏi được triều đình thu nạp vào nội phủ để trang trí, vẽ vời nội thất cung điện.
Hiện nay, Huế là nơi mà những vết tích và tác phẩm sơn mài cổ còn được bảo lưu một cách quy mô và đầy đủ nhất. Có được điều này bởi Huế đã một thời là thủ phủ của xứ Đàng trong (1802-1945). Thời bấy giờ, Huế là nơi hội tụ của nhiều tài năng, trí tuệ của cả nước. Cùng với kiến trúc, điêu khắc, sơn mài có mặt khắp nơi: từ các đình chùa làng xã, đến đền đài lăng tẩm, cung điện của vua chúa hay các vật dụng từ trong dân dã cho đến các gia đình quyền quý, các nhà thờ họ…
Tác phẩm Cây gạo đầu làng của họa sĩ Vi Kiến Thành
Để sáng tạo nên một tác phẩm sơn mài hoàn chỉnh, các họa sĩ phải trải qua nhiều công phu, tỉ mỉ, với thời gian trung bình khoảng 6 tháng. Chỉ nói đến thời gian để tạo nên tác phẩm không thôi cũng đủ thấy "khủng khiếp" cho những ai không thực sự yêu nghề và đam mê bộ môn nghệ thuật này. Chính bởi sự công phu và tỉ mỉ của nó mà sơn mài truyền thống Huế có giá trị sử dụng rất lâu, có khi còn lâu hơn cả thời gian tồn tại của một đời người (từ khoảng 50 năm - 200 năm). Năm 1960, sơn mài truyền thống Huế được đưa vào giảng dạy ở trường Đại học Nghệ thuật Huế với tư cách là một bộ môn nghệ thuật thực sự.
Sơn mài truyền thống có thể chia làm 3 loại: loại sơn quang gồm các vật dụng bằng mây, tre, gỗ, như hộp, quả, khay... được quang thếp một lớp sơn mỏng theo cách riêng, có nhuộm màu nhẹ, khá phổ biến trong dân dã; loại sơn son thếp vàng chỉ được thấy trong các gia đình quyền quý, khá giả, các nhà thờ họ, đình chùa, nhất là tại các lăng tẩm cung điện vua chúa... Nhưng nổi tiếng và độc đáo nhất là loại sơn mài đắp nổi. Về cơ bản cũng giống như sơn son thếp vàng nhưng các chi tiết được đắp nổi được trộn với hỗn hợp bột đá non, tro mo cau và giấy tinh giã nhỏ, tùy theo từng sản phẩm mà sử dụng cho thích hợp. Sơn mài đắp nổi có nhiều trong nội phủ, hoàng cung với nhiều chi tiết hoa văn vô cùng phong phú, tinh xảo.
Nghệ thuật sơn mài Việt Nam gần một thế kỷ đồng hành cùng các họa sĩ tâm huyết luôn tìm tòi, nghiên cứu làm giàu đẹp thêm tiềm năng lớn lao của chất liệu tạo hình độc đáo này. Từ một chất liệu trang trí cổ truyền họ đã góp công chuyển thành chất liệu nghệ thuật. Tính truyền thống ấy càng đậm đà hơn qua bàn tay điêu luyện và yêu nghề của các nghệ sĩ nhiều thế hệ đã biết tiếp thu tinh hoa nghệ thuật thế giới và dân tộc làm phong phú thêm ngôn ngữ của nghệ thuật sơn mài Việt Nam.
Ngày hôm nay, mỹ thuật Việt Nam tự hào vì đã có nghệ thuật sơn mài và nghệ thuật đó đã được thế giới biết đến. Có thể khẳng định kể từ khi ra đời, tranh sơn mài Việt Nam ngày càng trở nên nổi tiếng và được ưa chuộng. Nhiều tác phẩm trong thế kỷ XX đã trở thành kiệt tác, thành bảo vật Quốc gia. Tranh sơn mài Việt Nam được bạn bè quốc tế săn lùng, tìm mua…trở thành một thể loại đắt giá tại thị trường tranh khu vực. Các tác phẩm như: Vườn xuân Trung Nam Bắc của Nguyễn Gia Trí;  Xuân Hồ Gươm của Nguyễn Tư Nghiêm; Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của Nguyễn Sáng….và nhiều tác phẩm, tác giả khác đã tạo dựng nên hình hài một sơn mài Việt Nam trong nền nghệ thuật hiện đại của thế giới...
Ngày nay, tranh sơn mài đang được lớp họa sĩ trẻ tuổi tiếp tục tìm tòi, nâng cao cả về mặt kỹ thuật, thao tác cho đến sử dụng chất liệu “sơn ta” để tạo ra nhiều tác phẩm đẹp cả về nội dung cho đến nghệ thuật biểu cảm, góp phần vào sự nghiệp đổi mới mỹ thuật nước nhà. Vì vậy việc nghệ thuật sơn mài truyền thống đang hướng đến danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào vô cùng to lớn, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và làm rạng rỡ thêm kho tàng nghệ thuật tạo hình Việt Nam.
Theo Cinet
Chúng tôi chuyên cung cấp các loại Sơn mài cao cấp -  tranh sơn mài .

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những bức tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí

Những bức tranh sơn mài nổi tiếng

Tranh sơn mài hoa sen trắng