Tôn vinh nét nghệ thuật đặc sắc

Sơn mài không phải là môn nghệ thuật “độc quyền” của Việt Nam, bởi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,... cũng có tranh sơn mài. Nhưng tranh sơn mài phố cổ Hà Nội thì lại là chuyện khác. Trong làng mỹ thuật Việt Nam, phố cổ Hà Nội đã trở thành một đề tài quen thuộc của các họa sĩ yêu vẻ đẹp trầm lắng và cổ kính. Có thể nói, tranh sơn mài phố cổ là một trong những nhánh hội họa có giá trị cao, là biểu tượng tượng trưng cho một trong những nét đẹp truyền thống của Việt Nam. Cho đến nay, những góc phố, con đường cổ kính được tái hiện qua tranh sơn mài vẫn khiến người xem nao lòng.
Nhận diện tranh sơn mài phố cổ
Tranh sơn mài phố cổ không hào nhoáng nhưng lại khiến nhiều người yêu nghệ thuật đam mê bởi vẻ quê mùa và rong rêu của khung cảnh. Nói cách khác, tranh sơn mài phố cổ phác họa những hình ảnh đặc trưng nhất của Hà Nội, thể hiện một nét văn hóa truyền thống bình yên cùng với chất liệu sơn mài trường tồn cùng thời gian như những con phố đã đi vào lịch sử lâu đời. Những bức tranh sơn mài phố cổ cao cấp luôn thể hiện được giá trị về nghệ thuật hội họa cũng như những giá trị văn hóa, nhân văn của Hà Nội.

Những người yêu thích nghệ thuật chưa bao giờ ngừng quan tâm đến các bức tranh sơn mài phố cổ Hà Nội.
Tranh sơn mài phố cổ Hà Nội sử dụng những chất liệu màu truyền thống như sơn then, sơn cách dán làm chất kết dính, các loại son, bạc thiếp, vàng, vỏ trai,... được vẽ trên nền màu đen để tạo nên những sắc thái cổ xưa nhất. Những loại tranh sơn mài đẹp được làm rất tỉ mỉ dưới bàn tay của những họa sĩ tài ba. Tranh sơn mài có ưu điểm không bị mối mọt, không bị xỉn màu và luôn tạo được độ sáng bóng. Đặc biệt, tranh càng treo càng sáng, bóng chứ không như các tranh phun bằng sơn công nghiệp chỉ sáng bóng thời gian đầu nhưng sau đó thì xỉn màu và bị mối mọt.
Tranh sơn mài phố cổ Hà Nội không chỉ thu hút người xem bởi chất lượng hay kỹ thuật tranh tốt hay tinh tế trong từng chi tiết và kỹ thuật tạo tranh của các họa sĩ tài ba, mà cái gọi là “hồn” thực trong tác phẩm mới là đặc điểm gây chú ý nhất. Nó chất chứa một phố cổ đầy hiện thực, được phác họa tài tình và khéo léo với bố cục rõ ràng, rất thực tế với khung cảnh tự nhiên, thân thương của con người Hà Nội xưa. Nó tái hiện không gian buôn bán, kinh doanh, các cử chỉ, động tác, sự kết hợp đều rất hài hòa và tự nhiên trên các khung cảnh đa dạng và gần gũi. Dù là thời điểm hay này hay thời tiết khác thì các bức tranh sơn mài phố cổ Hà Nội cũng đều mang một yếu tố rất thật, rất chân thành và thân thương.
Vì lẽ đó mà những người yêu thích nghệ thuật chưa bao giờ ngừng quan tâm đến các bức tranh sơn mài phố cổ Hà Nội. Thậm chí, việc có được một bức tranh sơn mài phố cổ Hà Nội treo trong nội thất chính là mơ ước của rất nhiều người hiện nay.
Duy trì và phát huy
Luôn được công chúng quan tâm nên việc duy trì và phát huy tranh sơn mài phố cổ Hà Nội cũng không phải là vấn đề nan giải như câu chuyện bảo tồn di sản. Nhất là khi những cuộc triển lãm về sơn mài phố cổ liên tục được tổ chức. Gần đây nhất là “Chuyện sơn mài Việt Nam” - một triển lãm có cách thức tổ chức khác lạ diễn ra cùng lúc tại khu phố cổ Hà Nội (từ ngày 15/4 đến hết ngày 2/5), trong ba không gian văn hóa là đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc), Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ), Ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây). Triển lãm do Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức, nằm trong khuôn khổ “Năm tôn vinh nghề truyền thống phố cổ Hà Nội”, với sự tham gia của nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam, bộ môn Sơn mài Trường trung cấp Nghề tổng hợp Hà Nội và các làng nghề sơn mài truyền thống.
Theo đó, chỉ cần đi quanh tuyến phố đi bộ, người xem có thể hiểu được phần nào một nghề cổ truyền của dân tộc, thưởng lãm tác phẩm xưa nay từ sơn mài. “Câu chuyện sơn mài Việt Nam” khác biệt như thế nào với các quốc gia cũng được kể tại đây, trong hành trình khám phá của công chúng tại 3 địa điểm triển lãm. Ở đình Kim Ngân thì trưng bày chủ yếu là các bức tượng cổ về các vị tướng, thần; tượng các linh vật đặc trưng như nghê, ngựa cùng nhiều đồ thủ công mỹ nghệ phục vụ đời sống tâm linh người Việt trong suốt lịch sử như ban, đồ thờ, lư hương, hoa; rương, hòm, hộp cổ... Tất cả đều có màu sắc trầm mặc, tĩnh tại, sang trọng, kín đáo, thể hiện rõ quan niệm thẩm mỹ của người Việt. Theo một thành viên nhóm họa sĩ Sơn ta, họ không có tham vọng tái hiện đầy đủ lịch sử hàng nghìn năm của nghệ thuật sơn mài mà muốn kể một câu chuyện về chất liệu sơn ta đã làm nên nghệ thuật sơn mài độc đáo của Việt Nam. Bởi nghệ thuật sơn mài có ở nhiều nước trên thế giới, được bảo tồn, phát triển đa dạng, đặc biệt là tại châu Á. Nhưng sơn mài Việt Nam và đặc biệt là tranh sơn mài phố cổ Hà Nội thì có lẽ không nơi nào có thể “bắt chước”.
Những triển lãm như thế này không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng lãm nghệ thuật của công chúng, mà quan trọng hơn là góp phần quảng bá và tôn vinh một nghề cổ truyền với những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.
Theo Tùng Lâm
Chúng tôi chuyên cung cấp Sơn mài cao cấptranh sơn mài

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những bức tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí

Những bức tranh sơn mài nổi tiếng

Tranh sơn mài hoa sen trắng